Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 6): Đại thụ dềnh dàng về phố

Hàng trăm, hàng nghìn cây đại thụ bị đào phá không thương tiếc để phục vụ thú chơi của số ít người.
Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 5): Thủy điện nuốt trọn rừng nguyên sinhMuôn kiểu xâm hại rừng (kỳ 4): Mất rừng từ những đốm lửaMuôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 3): ‘Về tay doanh nghiệp’, rừng xanh trơ trụiMuôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 2): Người trồng rừng ‘phút chốc’ thành 'lâm tặc'Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 1): Lâm tặc hoành hành

Thú chơi phá rừng

Mốt sưu tầm cây đại thụ trong giới dân chơi cây cảnh ở các thành phố lớn ngày một phát triển. Nắm bắt thị hiếu này, nhiều người đã lên các cánh rừng ở Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên tìm kiếm, đào bới các loài cây có nguồn gốc tự nhiên như: Lộc vừng, thiên tuế, bông trang, sim, ngũ sắc, đỗ quyên, thông tre, lan rừng... về bán. Hàng trăm, hàng nghìn cây đại thụ bị đào phá không thương tiếc để phục vụ thú chơi của số ít người.

Theo khảo sát của phóng viên tại các xã Bằng Mạc, Bằng Hữu, Y Tịch, Hòa Bình, Vạn Linh của huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn, thực trạng người dân nơi đây đang khai thác tràn lan các loại cây rừng như: Gỗ sang, túc, mề gà, trầm ổi, si xanh, si đỏ… Trong đó, các gốc cây trầm ổi được người dân khai thác nhiều nhất.

Đa số những gốc cây này đều có bộ rễ bám chắc vào những tảng đá hoặc bám sâu vào lòng đất để chống xói mòn, sạt lở đất, đá. Những gốc cây được khai thác đa số đều có đường kính từ 30 đến 50 cm trở lên. Thậm chí có những gốc cây trầm ổi to 2 người ôm mới xuể.

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 6): Đại thụ dềnh dàng về phố - Ảnh 1
Cây xoài 100 năm tuổi bị lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh thu giữ.

Người đi đào cây, họ lùng sục trong rừng, sống chung với muỗi, rắn rết, sẵn sàng treo mình trên vách đá chỉ nhằm mục đích duy nhất là tìm được một cây cảnh đẹp. Để lấy được một gốc cây rừng đem bán họ phải chặt hạ hàng loạt cây khác, chính vì vậy, không chỉ gốc cây bị đốn hạ mà nhiều phần diện tích rừng xunh quanh cũng bị chặt hạ.

Những năm gần đây, phong trào chơi cây cảnh khai thác từ cây rừng khá phổ biến trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Nắm bắt thị hiếu này, thời gian qua trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện miền núi xảy ra tình trạng người dân vào rừng lùng sục đào bới các loài cây có nguồn gốc tự nhiên như: Lộc vừng, thiên tuế, bông trang, sim, ngũ sắc... về bán.

Thực tế hiện nay, đi đến các điểm bán cây cảnh trên địa bàn tỉnh và đi dọc một số tuyến đường ở TP.Quảng Ngãi không khó để bắt gặp hình ảnh các cây cảnh như bông trang, sim, ngũ sắc... có xuất xứ từ rừng được bày bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/cây.

Không chỉ ở các địa phương nêu trên, mà ở các địa phương có rừng trên cả nước cũng xuất hiện tình trạng săn lùng cây cảnh trong rừng như vậy. Đáng nói giới sưu tầm cây thường “để mắt” tới các loại cây thân gỗ lớn để làm cây cảnh, khiến những vạt rừng, bờ suối như đang quằn quại trước sự tàn phá của con người. Người đi rừng tìm cây chưa thấy khấm khá lên nhưng những cánh rừng thì đã cạn kiệt các loại cây, mất đa dạng hệ sinh thái và hủy hoại tài nguyên rừng.

Ngăn chặn bằng cách nào?

Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định Huỳnh Ngọc Bảo, hành vi đào cây rừng tự nhiên về làm cảnh là một hình thức khai thác rừng trái phép đã bị nghiêm cấm theo Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn nhất là việc truy xuất hồ sơ nguồn gốc lâm sản.

Trước đây, theo Thông tư 01/2012 của Bộ NN&PTNT quy định các đối tượng cây tự nhiên còn sót lại ở các nương rẫy đã có sổ đỏ, muốn sử dụng khai thác, buôn bán hợp pháp thì phải có sự giám sát, xác nhận của kiểm lâm địa bàn, UBND xã, người dân và cộng đồng khu dân cư rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, Thông tư 27 của Bộ này lại “tháo gỡ” sự giám sát, vai trò xác nhận, tham mưu của kiểm lâm nên việc xác nhận nguồn gốc lâm sản được nới lỏng. Hiện việc khai thác cây có nguồn gốc từ tự nhiên, cây trùng tên với các loại cây trong rừng thì 2 bên người mua và người bán tự làm bản kê với nhau là có thể vận chuyển, buôn bán hợp pháp.

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 6): Đại thụ dềnh dàng về phố - Ảnh 2
Nhiều cây rừng được vận chuyển trên đường bị lực lượng chức năng phát hiện.

Theo đó, từ khi có Thông tư 27 thì xảy ra hiện tượng các bên lợi dụng sơ hở, tự thỏa thuận để làm giấy tờ nguồn gốc lâm sản. Không chỉ nạn đào cây tự nhiên, cây rừng làm cảnh mà các đối tượng khai thác gỗ rừng cũng lợi dụng Thông tư 27 này để luồn lách rất phức tạp. Thậm chí có đối tượng lợi dụng vào rừng khai thác cây, rồi sau đó liên hệ với người dân có đất rẫy có sổ đỏ làm hồ sơ, giấy tờ để được buôn bán, vận chuyển hợp pháp.

Ngoài ra, theo tìm hiểu, quá trình giao đất rừng cho người dân, ngành chức năng đã có quy định nghiêm cấm việc khai thác những cây trùng tên với rừng tự nhiên. Tuy nhiên, sau này khi phong trào cây cảnh phát triển, kèm theo việc phân định 3 loại rừng, người dân lại lợi dụng để khai thác, buôn bán cây tự nhiên. Do quá trình giao đất không rõ ràng nên việc truy xuất nguồn gốc lâm sản, cây rừng tự nhiên cũng không thể tách bạch, xác lập quyền sở hữu của Nhà nước được.

Nhiều ý kiến cho rằng một số điểm trong Thông tư 27 cần sửa đổi cho phù hợp và chặt chẽ. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm Lâm (Bộ NN&PTNN) cũng đồng ý với điều này. Ông Thiện cho biết, ngành Kiểm lâm đang đề xuất phương án sửa đổi cho phù hợp, làm sao cho quyền lợi của người dân được đảm bảo, mà cơ quan thực thi pháp luật khi bảo vệ cây rừng tự nhiên vẫn có thể thượng tôn luật pháp.

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 6): Đại thụ dềnh dàng về phố - Ảnh 3
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh. (Ảnh: Hoàng Chiên)

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, việc "phù phép" đào, chặt, "chảy máu" cây cổ thụ đã làm mất nguồn gen, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân và cả hệ sinh thái. Cây bằng lăng rất đẹp, hay mọc ven suối, ven sông nên có giá trị rất lớn về chống xói mòn. Phong trào tràn lan đi đào gốc, cẩu đem bán thì người bán và người mua "được hưởng" cái lợi nhỏ trước mắt.

"Nhưng khi xảy ra lũ lụt, sạt lở thì cả cộng đồng phải gánh chịu, rất đau thương. Việc đưa cây bằng lăng ở rừng về trồng làm đại cảnh ở thành phố, theo tôi, như thế là không nên. Hành động "tiêu thụ" (mua) các cái cây đó là trực tiếp, gián tiếp kích cầu, "xúi giục" cho người ta đi phá rừng. Tạo phong trào với sự "lan tỏa" không tốt. Tôi phản đối. Việc làm này nên chấm dứt" - GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.

Xuân Hòa - Hà Nam

Xem thêm

Liên kết