Tổng thống Mỹ Donald Trump là lãnh đạo G20 duy nhất đứng ngoài thoả thuận về chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AP. |
Ngày 29/6, Thủ tướng Đức Angela Markel thông báo các nhà lãnh đạo G20 sẽ ký kết một thoả thuận chung chống biến đổi khí hậu. Bà cho biết tại cuộc họp báo bên lề hội nghị: "Chúng tôi sẽ thống nhất các nội dung tương tự như thoả thuận ở Argentina năm 2018. Đây sẽ là một tuyên bố chung 19+1".
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Argentina vào năm 2018, các nước thành viên đã tái khẳng định cam kết chống biến đổi khí hậu theo nội dung của Thoả thuận chung Paris năm 2016.
Ông Shinzo Abe - Thủ tướng Nhật Bản cũng khẳng định, lãnh đạo của các nước G20 đã tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề nóng lên toàn cầu và khẳng định những thoả thuận này là "không thể đảo ngược" dù ban đầu có một số bất đồng quan điểm.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn cương quyết đứng ngoài những thoả thuận về chống biến đổi khí hậu. Washington cho biết muốn tập trung vào tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng.
Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần phớt lờ các ý kiến khoa học về tác hại của biến đổi khí hậu. Thậm chí, ông Donald Trump đã can thiệp và đưa ra lệnh cấm đối với một số báo cáo khoa học vì lo ngại đường lối chính trị của mình sẽ bị ảnh hưởng. Ông còn từng tuyên bố, biến đổi khí hậu sẽ "đến rồi đi như những cơn bão mà thời nào cũng có".
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay, Thủ tướng Nhật Bản cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của các chính sách thương mại tự do và công bằng. Theo ông Abe, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị đe doạ nghiêm trọng nếu căng thẳng thương mai tiếp tục leo thang. Các lãnh đạo G20 đồng thuận trong việc cùng nhau dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng vững mạnh.
"Các lãnh đạo G20 nhất trí rằng những quốc gia thành viên cần dẫn dắt kinh tế toàn cầu tăng trưởng vững mạnh" - Thủ tướng Abe cho biết.