Phiên đấu giá kỉ lục 58 hecta đất vàng ở Thanh Hoá đứng trước nguy cơ đổ bể

Phiên đấu giá 375 lô đất vàng giữa trung tâm TP. Thanh Hóa có giá trị lên tới 1.215 tỉ đồng đang đứng trước nguy cơ bị hủy vì Liên danh trúng đấu giá đã không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính đúng thời hạn.
Công bố các dự án nhà ở và thị trường bất động sản quý 4 năm 2019'Chữa cháy' Condotel trên ngọn, hàng vạn nhà đầu tư vẫn hoang mangTP.HCM đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản

"Nhà nghèo" vẫn hét giá 1.215 tỉ đồng đấu đất vàng

Như chúng tôi đã thông tin, sau 2 lần hủy kết quả vì nhiều lí do khác nhau, ngày 26/9/2019, tại Trung tâm đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Thanh Hóa, cuộc đấu giá 375 lô đất vàng với tổng diện tích 58 hecta tại trung tâm TP. Thanh Hóa đã diễn ra nghẹt thở. Sau 30 vòng trả giá liên tục, kéo dài 6h đồng hồ, Liên danh ADI – Đông Sơn Thanh Hóa là đơn vị thắng đấu giá với số tiền lên đến hơn 1.215 tỉ đồng.

phien dau gia ki luc 58 hecta dat vang o thanh hoa dung truoc nguy co do be
Mặt bằng 3214 ở phường Đông Hải, TP. Thanh Hoá.

Ngày 15/10/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4222/QĐ-UBND công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất (đợt 1) dự án: Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa, công nhận Liên danh ADI – Đông Sơn Thanh Hóa là tổ chức trúng đấu giá.

Ngày 24/10/2019, Chi cục Thuế khu vực TP Thanh Hóa – Đông Sơn đã có văn bản số 281/TB-CCT gửi Liên danh ADI – Đông Sơn để thông báo nộp tiền sử dụng đất. Thông báo nêu rõ trong vòng 30 ngày tổ chức trúng đấu giá phải thanh toán 50% số tiền trúng đấu giá. Trong vòng 60 ngày tiếp theo tổ chức trúng đấu giá phải hoàn thành 100% nghĩa vụ tài chính.

Ông Hoàng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hoá cho biết trong vòng 90 ngày kể từ khi có thông báo của cơ quan thuế, tổ chức cá nhân trúng đấu giá phải hoàn thành 100% nghĩa vụ tài chính. Cơ quan Thuế sẽ phạt tiền nộp chậm theo quy định của Luật quản lý thuế. Nếu quá 120 ngày tổ chức cá nhân không nộp đủ 100% số tiền trúng đấu giá và tiền phạt nộp chậm thì đương nhiên sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá.

Theo ông Truyền, kết quả đấu giá mặt bằng 3241 tại khu đô thị mới Đông Hương cũng không có ngoại lệ. Ngoài ra, nhà đầu tư trúng đấu giá không có quyền bán đất nền liên kế hay biệt thự mà chỉ đủ điều kiện mở bán khi hoàn thành xây thô toàn bộ dự án và các điều kiện hạ tầng kĩ thuật đầy đủ. Nếu kết quả trúng đấu giá bị hủy bỏ thì số tiền đặt cọc 66 tỉ đồng của tổ chức tham gia đấu giá sẽ bị tịch thu nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Tính đến sáng ngày 25/2/2020, tức 124 ngày sau khi thông báo thuế có hiệu lực, Liên danh ADI – Đông Sơn mới nộp được 144 tỉ đồng trên số tiền phải nộp 1.215 tỉ đồng, hoàn thành 11,8% nghĩa vụ tài chính (chưa bao gồm hàng tỉ đồng tiền phạt nộp chậm). Như vậy, nếu căn cứ Luật đấu giá tài sản và các văn bản liên quan, kết quả trúng đấu giá sẽ bị hủy bỏ.

Thanh Hóa trở tay không kịp?

Trao đổi với PV, ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa cho biết, rút kinh nghiệm từ 2 lần đấu giá không thành trước, tại phiên đấu giá lần 3, UBND TP. Thanh Hóa đã chủ động ra văn bản đề nghị Sở Công an phối hợp vào cuộc bảo vệ, giám sát cuộc đấu giá diễn ra trật tự, an toàn minh bạch. Kết quả công bố đã làm lợi cho ngân sách hơn 500 tỉ đồng.

Tuy vậy, khó khăn về tài chính của Liên danh trúng đấu giá sau đó là kết quả không mong muốn. Lãnh đạo TP chắc chắn sẽ phải bàn bạc tìm hướng giải quyết. Ông Xuân cũng cho rằng quan điểm của TP là “tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trên cơ sở thượng tôn pháp luật”. Tuy vậy, phương án xử lý cho tình huống nằm ngoài dự liệu này vẫn chưa được đưa ra.

Về phía liên danh trúng đấu giá, mặc dù mới chỉ hoàn thành 11,8% nghĩa vụ tài chính và đứng trước nguy cơ bị hủy kết quả trúng đấu giá nhưng ngày 25/12/2019, Công ty Đông Sơn Thanh Hóa đã kí kết hợp đồng hợp tác chiến lược với Midland để phát triển dự án. Ngay sau đó Midland đã rầm rộ quảng cáo về dự án. Ngày 4/1/2020, Midland đã tổ chức Lễ ra quân hoành tráng tại Khách sạn Lam Kinh, TP. Thanh Hóa. Tiếp đó, ngày 12/1/2020, việc mở bán được lách luật bằng buổi lễ mang tên "giới thiệu dự án" đã diễn ra long trọng tại nhà hàng Dạ Lan Star.

Đợt 1, Midland tung ra 2 giỏ hàng thời gian áp dụng từ ngày 7/1/2020 đến ngày 19/1/2020 với 30 sản phẩm đất nền bao gồm cả liên kế và biệt thự. Giỏ hàng số 1 gồm 10 đất nền liên kế có diện tích dao động từ 90 đến 100 m2, giá từ 2,6 - 2,8 tỉ đồng. Giỏ hàng số 2 gồm 20 lô có diện tích từ 97.5 m2 đến 308,20 m2 với giá dao động từ 2,8 đến hơn 10 tỉ đồng.

Trao đổi với PV, ông Đinh Quang Thạch, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất, đơn vị được UBND Thành phố giao quản lý, giám sát dự án cho biết Công ty Đông Sơn không mở bán đất mà dùng hợp đồng vay vốn. Điều đặc biệt là hợp đồng vay vốn mà doanh nghiệp cung cấp cho ông Thạch có những điểm hết sức phi lý. Đó là các cá nhân đồng ý cho doanh nghiệp vay hàng tỉ đồng mà không cần biết mục đích sử dụng vốn, không có tài sản thế chấp hay bất kỳ quyền lợi gì.

Theo đó, các cá nhân đồng ý vô điều kiện cho doanh nghiệp vay số tiền từ gần 3 tỉ đồng đến hàng chục tỉ đồng, chia thành nhiều đợt, không tính lãi suất. Ông Thạch cũng cho biết doanh nghiệp không cung cấp nên hiện ông không nắm được đến thời điểm này có bao nhiều hợp đồng vay vốn đã được kí kết, không rõ số tiền thực sự các cá nhân đã gửi vào tài khoản của doanh nghiệp là bao nhiêu.

Trước câu hỏi tại sao Công ty Bất động sản Midland là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, không có chức năng môi giới tài chính lại đứng ra kết nối, tổ chức, giới thiệu việc cho vay tài chính, ông Thạch thừa nhận chính bản thân cũng bất ngờ.

Với những hợp đồng mập mờ này và tình hình tài chính của doanh nghiệp, nếu UBND tỉnh Thanh Hoá quyết định hủy kết quả đấu giá sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Số phận 375 lô đất vàng tại mặt bằng 3241 trung tâm TP. Thanh Hóa rất có thể lại tiếp tục được định đoạt bằng lần đấu giá thứ 4.

Theo Thiên Anh - Nguyễn Thuấn/Tinnhanhonline

Xem thêm

Liên kết