Tồn kho bất động sản hơn 223.000 tỉ đồng, doanh nghiệp lo 'méo mặt'

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, đến cuối năm 2019, tổng giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
VNREA đề xuất bỏ bảo lãnh bán nhà trên giấyHoREA đề xuất 'nới trần' phát hành trái phiếu doanh nghiệpPhiên đấu giá kỉ lục 58 hecta đất vàng ở Thanh Hoá đứng trước nguy cơ đổ bể
Tồn kho bất động sản hơn 223.000 tỉ đồng, doanh nghiệp lo "méo mặt".

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tiếp tục có văn bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, đặt biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Trong đó, HoREA cho biết lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đến cuối năm 2019 đã tăng mạnh 38% so với cùng kỳ năm trước, lên tới 223.474 tỉ đồng. Đây là điều đáng ngại, phản ánh khó khăn chồng chất của doanh nghiệp địa ốc.

Trong đó, 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho lớn vượt hơn 1.000 tỉ đồng, 4 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 tỉ đồng đến 7.397 tỉ đồng. Riêng 2 tập đoàn bất động sản hàng đầu thị trường có lượng hàng tồn kho chiếm đến 63% tổng giá trị hàng tồn kho.

Tổng hợp từ báo cáo tài chính của 10 công ty lớn niêm yết trên sàn chứng khoán, có thể điểm danh những doanh nghiệp có iá trị hàng tồn kho bất động sản tăng rất nhanh trong 5 năm qua, gồm: Vingroup, NovaLand, Vinaconex, FLC, Hoàng Quân, Đất Xanh, CEO, Khang Điền, Thủ Đức, Phát Đạt… Áp lực hàng hàng tồn kho nhóm này tăng cao khiến cho quy mô vay nợ cũng "phình to", và lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Theo HoREA, do đặc thù của doanh nghiệp bất động sản chu kì đầu tư kéo dài nhiều năm nên lượng hàng tồn kho theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và trong quá trình phân phối lưu thông sản phẩm là điều bình thường. Thậm chí có thể được coi là một lợi thế của doanh nghiệp nhưng đối với bất động sản, hàng tồn kho sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

Hàng tồn kho bất động sản nằm ở các dự án đầu tư dở dang do vướng mắc về pháp lý nên bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay, sản phẩm ế ẩm chưa bán được, không có tính thanh khoản, dẫn đến nguy cơ phá sản. Do đó, hàng tồn kho tăng mạnh sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung, khiến cho dòng vốn bị tắc nghẽn, nguy cơ mất thanh khoản...

Thực tế, năm 2019, hầu hết doanh nghiệp bất động sản niêm yết đều có kết quả kinh doanh sụt giảm do không bán được hàng, tồn kho lớn, trong khi đó phải "gồng" chi phí lãi vay, trả nợ gốc, chi phí quản lý bộ máy... Đa số các doanh nghiệp địa ốc niêm yết có mức tăng trưởng doanh thu bình quân 7% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 47% của năm 2018.

Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, tại TP.HCM có 158 dự án, mặt bằng kinh doanh có sử dụng đất công thuộc diện phải tạm dừng để rà soát.

Đến tháng 3/2019, 124 dự án được vận hành trở lại, nhưng thực tế nhiều dự án vẫn chưa thể được hoạt động bình thường. Hoạt động kinh doanh sụt giảm liên tục trong 2 năm gần đây.

Trong hai tháng đầu năm nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở khu vực Châu Á đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của ngành du lịch, hàng không, vận tải, nghỉ dưỡng... khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản lao đao, phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa một phần các khu nghỉ dưỡng. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài lâu hơn, thì tình hình kinh doanh của doanh nghiệp địa ốc sẽ càng ảm đạm hơn.

Nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường trước tình trạng hàng tồn kho tăng cao, HoREA kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của trung ương và địa phương cần giải quyết nhanh chóng các vướng mắc về pháp lý cũng như thủ tục hành chính của dự án, đồng thời khẩn trương rà soát và sớm có kết luận các dự án thuộc diện thanh tra.

Nếu tháo gỡ được vướng mắc này, các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước. Mặt khác, doanh nghiệp được tiếp tục triển khai thực hiện dự án sẽ bớt khó khăn, tiếp tục bổ sung sản phẩm cho thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.

Các vướng mắc được tháo gỡ sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu thiếu hụt nhà ở cho các tầng lớp khách hàng.

Hải Nam
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết