Lịch sử hình thành tiền xu ở Việt Nam

Tiền xu Việt Nam được sản xuất từ các chất liệu như nhôm, đồng, kẽm, sắt hoặc hợp kim và được xem là phương tiện thanh toán phổ biến từ những năm giữa thế kỷ thứ X đến đầu thế kỷ XXI trước khi không còn được sử dụng ở thời điểm hiện tại.

Lịch sử Việt Nam có nhiều loại tiền xu khác nhau và được đúc theo những chất liệu riêng biệt qua mỗi thời kỳ. Tiền xu Việt Nam được phát hành lần đầu vào giữa thế kỷ thứ X, thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt dưới sự trị vì của vua Đinh Bộ Lĩnh. Ở thời phong kiến, gần như mỗi đời vua lại cho phát hành một loại tiền mới. Nhiều khi, thay đổi niên hiệu vua cũng cho phát hành lại tiền. Suốt một thời gian dài, tiền xu được xem là thứ tiền tệ lưu hành duy nhất ở nước ta.

Năm 1945-1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát hành bộ tiền xu gồm 6 mệnh giá, gồm: 20 xu, 5 hào, 1 đồng và 2 đồng. Trong đó, mệnh giá 2 đồng được làm bằng chất liệu đồng thau, còn các đồng tiền khác đều được làm bằng nhôm.

Do chất liệu nhôm dẻo, cộng thêm bề ngang khá mỏng, giúp người dân có thể đục lỗ trên tiền để làm thành xâu, dễ dàng cất trữ và kiểm đếm. Việc bị đục lỗ không khiến cho tiền xu bị mất giá trị trong lưu thông.

lich su hinh thanh tien xu o viet nam

Đến năm 1958, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (tại miền Bắc) phát hành thêm 3 đồng xu bằng chất liệu nhôm, mệnh giá 1 xu, 2 xu và 5 xu. Mặt trước của các đồng tiền này in hình Quốc huy, giữa đồng tiền có khoét một lỗ tròn lớn.

Tiếp đến năm 1976, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành thêm bộ tiền xu có mệnh giá từ 1 hào trở lên. Tính mỹ thuật trên đồng tiền này khá tương đồng với các đồng xu ra đời năm 2003.

Năm 2003, tiền kim loại mệnh giá từ 200 đồng, 500, 1.000, 2.000 và 5.000 đồng được đưa vào lưu thông, nhằm thay thế dần các đồng tiền cotton có mệnh giá tương đương. Các mệnh giá 200, 500 đồng được làm bằng thép mạ niken, tiền 1.000, 2.000 đồng làm bằng thép mạ đồng, trong khi tiền xu 5.000 đồng làm bằng hợp kim đồng – nhôm – niken, mặt bên được khía vỏ sò.

Mặc dù được kỳ vọng sẽ có chất lượng tốt, ít mang đến nguy hiểm cho người dùng (khả năng nhiễm khuẩn thấp hơn), nhưng tiền xu nhanh chóng trở nên lạc lõng và bị người dùng tẩy chay do bất tiện trong lưu trữ, xuống cấp nhanh chóng. Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ngừng đúc và đưa vào lưu thông loại tiền kim loại này.

Mới đây, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đơn vị này sẽ bán đấu giá hơn 600 tấn phế liệu tiền kim loại sau tiêu hủy, với giá khởi điểm là 48,1 tỉ đồng, không bao gồm VAT và chi phí bốc dỡ, di chuyển.
Toàn bộ số phế liệu trên đã được Trung tâm Kĩ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 – Tổng cục Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ) thực hiện phân tích, thử nghiệm thành phần hóa học.
Theo yêu cầu từ NHNN, tổ chức đấu giá tài sản muốn đăng kí phải có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá với loại tài sản đấu giá, có phương án đấu giá khả thi, hiệu quả.
Đồng thời, đơn vị này phải có có năng lực, kinh nghiệm và uy tín thoả mãn một số điều kiện như là tổ chức có 5 năm kinh nghiệm hoạt động, có tối thiểu 5 đấu giá viên đã có kinh nghiệm 5 năm, tổ chức đấu giá có hợp đồng bán đấu giá tài sản hoàn thành trong năm 2018 đạt tối thiểu 45 tỉ đồng.
Các tổ chức muốn đăng kí tham gia tổ chức đấu giá cần nộp hồ sơ trước ngày 14/5/2019.

Đức Trọng

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết