Thị trường đồng hồ Việt thật giả lẫn lộn

Nhiều chiếc đồng hồ được làm giả rất tinh vi, được bày bán tràn lan khiến người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là hàng thật, hàng giả. Trong khi người dân chủ yếu mua bằng niềm tin và thương hiệu.
MediaTek sẽ có chip di động hỗ trợ 5G vào cuối tháng nàyHải quan bối rối khi hoàn thuế cho cháu bé 9 tuổi mua đồng hồ 6 tỉChuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra vụ phát hiện hơn 3.000 đồng hồ giả

Người bán tung hỏa mù…

Hiện nay, tình trạng đồng hồ nhái, đồng hồ "hàng xách tay" không có hóa đơn đang được bán tràn lan trên thị trường hoặc theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó". Giả nhưng được giới thiệu là hàng chính hãng để lừa dối người tiêu dùng. Khách hàng có thể đến bất kỳ đâu cũng mua được những chiếc đồng hồ bắt mắt với đủ mẫu mã, thương hiệu. Giá của những sản phẩm này cũng đa dạng, từ siêu rẻ đến giá "chát"...

thi truong dong ho viet that gia lan lon
Tình trạng đồng hồ nhái, đồng hồ "hàng xách tay" không có hóa đơn đang được bán tràn lan trên thị trường.

Cơ quan chức năng liên tục xử lý những vụ buôn bán đồng hồ giả, đồng hồ nhái, nhưng tình trạng này vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Trước vấn nạn này, tại Hội nghị chống hàng giả do Bộ Công Thương tổ chức đầu năm nay, ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, một chuyên trang thẩm định đồng hồ thật, giả có uy tín công bố, trong số 20.000 chiếc đồng hồ được thẩm định thì có đến 8.600 chiếc được phát hiện là giả (tương đương tới 43%). Kết quả kiểm tra thị trường đồng hồ cũng cho thấy, 80-90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả và xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Như vậy có thể thấy, tình trạng bát nháo này chính là cơ hội cho những người bán hàng tung hỏa mù khiến cho khách hàng càng khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là giả.

Tìm hiểu về vấn đề này, PV đã dạo quanh một vòng Hà Nội và nhận thấy, có rất nhiều nơi bán đồng hồ của các thương hiệu nổi tiếng, giá bán từ rẻ cho tới cao ngất ngưởng. Ngay tại các chợ đầu mối, chợ sinh viên, đồng hồ được bày bán rất nhiều, với đủ loại mẫu mã và chủng loại, thiết kế bắt mắt nhưng có khi giá chỉ trăm ngàn đồng/chiếc. Khi thắc mắc với người bán muốn mua hàng chính hãng thì các chủ quán đều có chung một câu trả lời giống nhau: "Đây là hàng fake, còn nếu em muốn mua hàng chính hãng có ngay. Em cứ yên tâm về chất lượng, vì đều là hàng xách tay, hàng chuẩn, giá tốt, lại bảo hành 12 tháng luôn".

Chị Đào Thị Hồng Nhung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), người chuyên bán đồng hồ online cho hay, buôn bán đồng hồ là thị trường béo bở, nên hiện nay có rất nhiều người kinh doanh mặt hàng này. Từ doanh nghiệp cho tới tư nhân tranh nhau miếng "thịt thơm" và họ bán hàng dưới mọi hình thức, từ công ty cho tới mở hàng đơn lẻ, bán online khiến thị trường đang dần trở nên bát nháo.

"Khi tôi bán mặt hàng này, rất nhiều người đã gọi điện tới có ý muốn cộng tác cùng, nhưng khi hỏi nguồn như thế nào thì nhận được khá nhiều câu trả lời là hàng nhái từ Trung Quốc và sẽ bán theo dạng hàng xách tay, giá sẽ mềm hơn mua hàng công ty hoặc nhà phân phối. Do đây là hàng fake loại 1, 2 nên người tiêu dùng rất khó phát hiện ra và tôi có thể nhập bao nhiêu tùy thích" - chị Nhung tiết lộ.

Để kiểm chứng lời chị Nhung nói, PV đã liên hệ với một đơn vị chuyên cung cấp đồng hồ cho khách ở Xã Đàn. Cửa hàng này buôn bán đủ loại mẫu mã sản phẩm của các hãng đồng hồ, từ giá vài triệu lên đến hơn trăm triệu đồng. Nhân viên bán hàng khẳng định đây là những sản phẩm chính hãng, một số loại có thể bảo hành toàn cầu…nhưng không thể xuất hóa đơn VAT khi khách hàng cần.

Ngoài ra, họ còn giới thiệu ở đây chuyên cung cấp các mặt hàng đồng hồ xách tay. Giá tại hãng của một chiếc Frederique Constant (FC) có thể lên đến gần 30 triệu đồng. Nhưng tại đây chỉ có chưa đầy 10 triệu đồng. "Còn liên quan đến lực lượng chức năng, quản lý thị trường thì bên em không lo…" - nhân viên bán hàng nói.

Đồng hồ được làm giả ngày một tinh vi, khó phân biệt được bằng mắt thường nên người tiêu dùng càng khó phân biệt được thật - giả, nhất là trước những chiêu trò lừa đảo của người bán. Chưa kể hàng xách tay chính hãng nhưng không có hóa đơn, chứng từ vẫn cứ được các đơn vị, cá nhân ngang nhiên công khai buôn bán bất chấp việc vi phạm pháp luật.

Người tiêu dùng sập bẫy

Năm 2018, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố nghiên cứu của mình về thị trường đồng hồ đeo tay Việt Nam. Theo PNJ, thị trường này giá trị gần 750 triệu USD, tương đương khoảng 17.000 tỉ đồng nhưng chưa có nhà phân phối nào chiếm từ 20% thị phần trở lên.

Sau đó, một ông lớn thứ hai là Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji cũng gia nhập thị trường đồng hồ đeo tay để cùng chia sẻ "miếng bánh thơm" này. Như vậy có thể thấy, đồng hồ là một loại trang sức được rất nhiều người dân Việt ưa chuộng và lựa chọn. Nhưng có một thực tế, người phân biệt được thật - giả mặt hàng này lại rất ít, hầu hết mọi người đều mua bằng niềm tin và thương hiệu. Điều đó dẫn tới tình trạng, khách hàng bị người bán “dắt mũi” đưa vào bẫy mà họ chuẩn bị sẵn từ trước, mua hàng nhái mà cứ ngỡ đeo hàng hiệu, giá cao.

thi truong dong ho viet that gia lan lon
Người tiêu dùng nên có những biện pháp bảo vệ chính túi tiền của mình.

Để tự tặng cho mình một món quà sinh nhật, chị Mai Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) đã mua một chiếc đồng hồ Citizen mẫu Dresswatch “chính hãng” size 27mm với giá 1,5 triệu đồng tại một địa chỉ được bạn bè giới thiệu là uy tín với cam kết hàng chính hãng 100%. Chị đã rất ưng chiếc đồng hồ này vì thấy nó khá đẹp lại hợp với tay của mình, nhưng sau đó chị bị sốc khi phát hiện ra đây là hàng giả.

Cũng mua bằng niềm tin, anh Văn Dũng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã mua một chiếc đồng hồ MK6604 phiên bản Fendi với giá hơn 4 triệu đồng để tặng vợ. Theo như người bán giới thiệu đây là hàng xách tay nên có giá mềm hơn so với hàng chính hãng. Tuy nhiên, hơn một năm sau, khi đồng hồ hỏng, anh đem ra tiệm sửa mới biết mình đang sở hữu một sản phẩm giả.

"Tôi không hiểu về đồng hồ, nên khi kiểm tra cũng không phát hiện ra là đồ giả vì nó làm khá tinh xảo. Khi hỏi hóa đơn thì họ nói không có tôi cũng chột dạ, nhưng vẫn tin tưởng và nghĩ đây là hàng xách tay thì làm gì có hóa đơn nên vẫn mua" - anh Dũng chia sẻ.

Hiện nay, thị trường đồng hồ Việt Nam còn rất phân mảnh, phần lớn thị trường nằm trong tay các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ và chợ đồng hồ. Đối với các dòng đồng hồ thời trang thì tình trạng “vàng thau lẫn lộn” càng trở nên phổ biến với việc đóng thương hiệu nhiều hãng thời trang nổi tiếng nhưng mức giá lại bình dân.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều người bất chấp pháp luật để buôn bán đồng hồ fake, đồng hồ xách tay không có hóa đơn là do lợi nhuận "khủng". Tỷ suất lợi nhuận của ngành bán lẻ đồng hồ vượt qua lợi nhuận của ngành hàng kinh doanh vàng bạc đá quý, điện thoại,…, thậm chí đạt ở mức 60-70%. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hai ông lớn của ngành trang sức là PNJ và Doji với tay sang cả lĩnh vực này.

Với tình trạng thị trường đồng hồ “vàng thau lẫn lộn” người tiêu dùng nên có những biện pháp để trở thành người tiêu dùng thông minh và bảo vệ chính túi tiền của mình trước những mánh khóe tinh vi của người bán hàng.

Nguyễn Chiêm
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết