Thiệt hại do virus máy tính tại Việt Nam vượt ngưỡng 20.000 tỉ đồng

Năm 2019, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 20.892 tỉ đồng (902 triệu USD).
Phát hiện mã độc BlueKeep nguy hiểm tương tự WannaCry trên WindowsChiếc laptop 2008 được bán với giá hơn 31 tỉ nhờ nhiễm 6 loại virusIntel mở ra kỷ nguyên mới cho laptop với mẫu máy tính 2 màn hình

Theo báo cáo của Bkav, con số thiệt hại do virus máy tính năm nay đã vượt xa 14.900 tỉ đồng của năm 2018. Tuy không có sự cố nào đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, nhưng sự gia tăng các máy tính bị nhiễm mã độc mã hóa dữ liệu và mã độc tấn công có chủ đích APT là nguyên nhân chính gây ra những thiệt hại khổng lồ này. Tổng số lượt máy tính bị nhiễm mã độc được ghi nhận trong năm 2019 lên tới 85,2 triệu lượt, tăng 3,5% so với năm 2018.

80% máy tính bị nhiễm virus do cài đặt phần mềm từ trên mạng

Phân tích về những nguyên nhân dẫn tới số lượng máy tính bị nhiễm virus ở mức cao, các chuyên gia Bkav cho biết nguyên nhân đầu tiên là việc tải và cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên mạng.

thiet hai do virus may tinh tai viet nam vuot nguong 20000 ti dong
Thiệt hại do virus máy tính tại Việt Nam vượt ngưỡng 20.000 tỉ đồng. (Ảnh minh họa: KT)

Trung bình, cứ 10 máy tính cài các phần mềm tải về từ internet thì có tới 8 máy tính sẽ bị nhiễm viurs, đây là một tỉ lệ rất cao. Để đảm bảo an toàn, người sử dụng chỉ nên tải các phần mềm có nguồn gốc rõ ràng, từ nhà sản xuất tin tưởng và từ các kho ứng dụng chính thống, không tải từ những nguồn trôi nổi trên mạng.

Tỉ lệ lây nhiễm virus qua USB đã giảm mạnh, tuy vẫn ở mức cao 55%, nhưng đã giảm tới 22% so với năm 2018. Ngược lại, virus lây nhiễm qua email lại tăng, lên mức 20%, tăng 4% so với năm 2018.

Cũng theo thống kê của Bkav, vẫn tồn tại tới 41,04% máy tính tại Việt Nam có chứa lỗ hổng SMB, từng bị virus Wanna Cry khai thác để lây nhiễm hơn 300.000 máy tính chỉ trong vài giờ. Đây vẫn là những nguy cơ rất lớn về mất an ninh thông tin tại Việt Nam.

Để phòng chống mã độc, các chuyên gia Bkav khuyến cáo, người sử dụng cần trang bị phần mềm diệt virus thường trực để quét virus cho USB trước khi sử dụng. Mở file đính kèm nhận được từ internet trong môi trường cách ly an toàn (Safe Run). Thường xuyên cập nhật bản vá lỗ hổng cho máy tính.

Những chuyển biến tích cực đến từ khối cơ quan Nhà nước

Điểm sáng duy nhất của năm 2019, với sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý Nhà nước, cùng các chiến dịch xử lý mã độc đồng loạt tại một số thành phố lớn đã góp phần giảm đáng kể số lượng máy tính tại Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma (botnet). Cũng theo công bố của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU, Việt Nam đã tăng 50 hạng về chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu trong năm.

Các chuyên gia Bkav phân tích, đây là những tín hiệu rất đáng mừng, từng bước cải thiện về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam, điều chưa từng xảy ra trong vài thập kỷ vừa qua.

Tuy nhiên, chuyển biến tích cực này mới chỉ đến chủ yếu từ khối cơ quan ở Trung ương và một số thành phố lớn, công tác phòng chống mã độc tại các địa phương khác vẫn còn rất nhiều tồn tại, đặc biệt một lượng lớn máy tính tại khối doanh nghiệp tư nhân và người sử dụng cá nhân vẫn chưa có hình thức phòng vệ cần thiết, chưa có phần mềm diệt virus bảo vệ thường trực, hoặc có phần mềm diệt virus nhưng không đủ mạnh.

Theo thống kê của Bkav, tỉ lệ máy tính bị nhiễm mã độc trong năm 2019 tại Việt Nam vẫn ở mức rất cao 57,70%.

Theo Vân Anh/VOV